Mar 2, 2010

Cờ toán Việt Nam.

Từ nay người VIỆT NAM chúng ta cũng đã có một môn cờ riêng của người VIỆT bên cạnh cờ tướng của Trung quốc và cờ vua ! Thật tự hào làm sao

“Đứa con” không được thừa nhận

Họ nghi hoặc ông cũng có lý. Bởi vì theo tính toán, tổng số nước đi của cờ toán là lũy thừa của 87. Đó là một con số khổng lồ mà người chơi cờ không bao giờ có thể chơi hết những nước đi khác nhau như vậy. Ủy ban Khoa học nhà nước lúc ấy phải nhờ các chuyên gia của Liên Xô (cũ) tính toán, nhưng họ cũng không tính được kết quả lũy thừa của 87 là bao nhiêu. Do không tính được số nước cờ, người ta không công nhận sản phẩm của ông.

Lòng ông Bẩy nặng trĩu. Ông mang sản phẩm trí tuệ của mình đến một tờ báo dành cho trẻ em, đề nghị báo đăng để học sinh cả nước biết. Báo lên khuôn rồi, chẳng may giáo sư Trần Quốc Vượng (đã quá cố) tình cờ thấy được, liền hỏi biên tập viên là thứ cờ này đã đăng ký bản quyền chưa, nếu chưa thì đừng cho đăng. Bởi ông sợ nếu đăng thì chất xám của ông Bẩy sẽ bị đánh cắp ngay lập tức. Báo lại bóc ra.

Năm 1988, con trai ông Bẩy đi Liên Xô. Ông bảo anh ta mang sang đó dịch ra tiếng Nga để mọi người chơi cho khỏi phí. Nhưng khi đến Cục Xuất cảnh trình bày, anh công an bảo: “Nếu có vấn đề gì thì bác sẽ phạm tội bán tài sản trí tuệ quốc gia”. Ông hoảng quá, lại thôi. Đi bao nhiêu cơ quan, cơ quan nào cũng từ chối mà ông cũng không biết phải đem trình cơ quan nào.

Món cờ của ông đành phải cất vào ngăn tủ, cho đến khi nghe Nhà nước thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về bản quyền, ông Bẩy lại hớn hở đem cờ toán đi trình làng, định là lần cuối, không được thì thôi. Thật bất ngờ, tháng 5-2005, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT) chính thức công nhận sản phẩm trí tuệ do ông nghĩ ra. Ông Bẩy vui như đào được vàng ròng, hóm hỉnh bảo: “Sau 20 năm, “con” tôi mới được “cấp giấy khai sinh”. Thế là cờ toán đã có bản quyền, không sợ bị ai đánh cắp”.

Ngay sau khi món cờ toán của ông được cấp bản quyền, một tờ báo ở Hà Nội đã đặt vấn đề bán đấu giá sở hữu trí tuệ với giá khởi điểm là 1 triệu USD. Biết tin này, một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã thuê phiên dịch viên tìm đến tận nhà ông ở Bắc Ninh, đề nghị trả 1 triệu USD để mua lại bản quyền và nói rằng sẵn sàng trả hơn nếu có người khác trả nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bẩy không chấp nhận bởi điều kiện của chuyên gia người Trung Quốc đưa ra là phải thay các dấu chấm tròn trên mặt quân cờ bằng các chữ: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, cửu.

Đồng thời, phải thay tên “cờ toán VN” bằng cờ toán quốc tế. “Tôi không muốn để người ta thay tên gọi vì khi sáng tạo món cờ này, điều thôi thúc tôi là phải sáng tạo ra một thứ cờ của VN, mang nguồn gốc VN. Tôi cũng không bán bởi họ mua nó với ý định thương mại hóa. Nếu họ mua để phổ biến thì tốt, còn ngược lại tôi cũng chẳng cần. Bao năm nay tôi vẫn sống bằng nghề nặn tượng và vẫn đủ sống” – ông Bẩy bộc lộ quan điểm. Ông nói thêm: “Cái mà tôi cần bây giờ là bằng cách nào, phương tiện ra sao để phổ biến cho nhiều người chơi cờ toán một cách hiệu quả, để tôi khỏi tốn tiền photo các bài hướng dẫn”.

Chuyện là, từ khi món cờ toán của ông được công khai thì mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người ở quanh TP Bắc Ninh và khắp các tỉnh trong cả nước gửi thư, gọi điện cho ông xin được gửi bản photo hướng dẫn cách chơi, luật chơi cờ toán. Ông đã tốn cả bạc triệu để gửi các hướng dẫn cho người hâm mộ nhưng vẫn không xuể.

Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch trình Bộ GD-ĐT đưa món cờ toán của ông vào thành môn học cho học sinh ở Bắc Ninh. Trong tháng bảy này, UBND tỉnh Bắc Ninh dự định mở một hội thảo về cờ toán của ông Vũ Bẩy. Các chuyên gia của Ủy ban Thể dục thế thao VN cũng đã gặp ông và hứa sẽ phát triển môn cờ toán ra cả nước.

Bàn cờ toán do Vũ Bẩy thiết kế, sáng tạo đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả sau 20 năm chờ đợi


Ván cờ trị giá 1 triệu đô la

Cha đẻ của môn cờ thuần Việt này không phải một giáo sư, tiến sỹ mà là một người đàn ông chỉ học hết lớp bảy. Đó là ông Vũ Văn Bảy, trú tại phố Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Hiện ông đang sống bằng nghề làm tượng. Nhiều người bất ngờ vì nghe nói đã có người đặt vấn đề mua lại bản quyền của môn cờ này với giá một triệu đô la, nhưng ông Bảy nhất quyết không bán vì một lẽ rất đơn giản: nó phải là môn cờ của người Việt Nam!

Lời đồn đại về bản quyền có giá một triệu đô dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của ông Bảy tại thành phố Bắc Ninh. Cái ấn tượng đầu tiên với riêng tôi là tấm biển trưng ở cổng nhà: “3 THẾ HỆ HỌA SỸ- ĐIÊU KHĂC VŨ VĂN BẢY, sáng tác – thi công các công trình nghệ thuật”, la liệt ở ngoài sân là những bức tượng: Phật, lãnh tụ, quan họ, phù điêu… ngôi nhà cũng là xưởng làm việc, và kiêm luôn cửa hàng.

Nó phải là môn cờ của người Việt Nam !

Ông Bảy ra đón chúng tôi trong bộ quần áo “điêu khắc gia”, lấm lem bùn đất. Cách tiếp khách của ông cũng vô cùng đặc biệt, ông nói oang oang từ trong ra ngoài, chẳng cần biết quen hay sơ, cứ nắm tay thật chặt, rồi mời vào nhà như đã biết nhau từ lâu lắm.

Khi nghe chúng tôi muốn hỏi về chuyện cờ toán và lời đồn bản quyền giá một triệu đô, ông Bảy hào hứng hẳn, ông chém tay vào không khí nói rất to: có chứ, có cái thằng người Trung Quốc nó sang tận đây đặt vấn đề mua bản quyền để nó kinh doanh. Nhưng tôi không bán vì nó bảo phải đổi những con cờ mang số 1,2,3… thành nhất, nhị, tam, tứ… Tôi giải tán luôn. Tôi bảo: “…nếu thế thì mất tính Việt Nam à? Toi công tôi mấy chục năm nay à? Cờ của tôi là cờ thuần Việt, không thể để mất cái chất Việt ấy được…”.

Ông Bảy nói đến đây, nhổm cả người lên ghế, giọng căng thẳng: cái môn cờ này tôi không biết giá trị nó như thế nào, nhưng tôi đã nghiên cứu từ lâu lắm. Hồi xưa, nhìn cái trò Ru-bich gì đó của bọn Tây – cái trò hình vuông xanh xanh đỏ đỏ ấy, nó đơn giản thế mà cuốn hút cả hành tinh. Ai cũng thích chơi nó vì đơn giản nhưng lại phức tạp, tôi thấy người Việt mình thiệt quá! Trò chơi nào cũng phải “vay” người ta. Các ông cứ nhìn bọn trẻ bây giờ thì biết, suốt ngày cắm đầu vào vi tính chơi Games, chán thì quay sang đua xe, chơi bời, thác loạn… Còn những trò chơi dân gian lại không cuốn hút được chúng nó. Mà các ông lên miền núi xem, bọn trẻ ở đó thiệt như thế nào. Suốt ngày chỉ quanh quẩn chân núi, bờ sông, cõng nhau ngẩn ngơ nhìn trời đất… tội lắm! Cứ nghĩ đến cái trò ru bích, ru beo của bọn Tây lại thấy bực. Tôi nhất quyết phải nghĩ ra cái gì để chơi – mà trò chơi ấy phải một trăm phần trăm ma – de – in Việt Nam .

Ông nói hào hứng, át cả tiếng khách khứa, rồi ông chỉ tay lên tường – nơi cái khung kính lồng bên trong là tấm bằng bản quyền do Cục bản quyền Việt Nam cấp. Ông tự hào nói: “Đây là bản quyền của tôi, đã được nhà nước cấp, yên tâm nhé, không thằng nào đụng vào được… tôi không bán, đố thằng nào dám sản xuất!”. Và ông giải thích: cái môn cờ này của tôi ngoài tính trí tuệ ra nó còn chứa đựng trong đó bao nhiêu triết lý. Tôi nói cho các ông biết, cờ của tôi không có tướng, cờ Tàu, cờ Tây đều có tướng – mất tướng coi như thua. Nhưng tôi lại nghĩ trong đời sống, mất thằng tướng này nó thay ngay thằng tướng khác thua sao được, nếu thua hẳn phải là mất dân… mà dân thì là ai? Trong cờ của tôi dân chính là số 0, nếu bắt được số 0 coi như lấy được lòng dân và chiến thắng…

Nói đến đây ông Bảy ngả người thoải mái ra ghế cười mãn nguyện. Khi chúng tôi hỏi về giấy tờ hay một vật chứng cụ thể nào về việc người Trung Quốc kia hỏi mua về bản quyền, ông Bảy nói: “Có chứ, chúng nó thảo hợp đồng toàn tiếng Tây, mà tôi có biết tiếng Tây đâu, nhưng chỉ nghe nó đòi đổi tên cờ thì tôi giải tán ngay, không thèm nói chuyện… bán biếc cái gì. Tôi đâu có dại, ngần này tuổi tôi đâu có dại… Tiền ai chẳng thích, nhưng tôi sợ tiền lắm, nói dại mồm đại họa lúc nào không biết!”. Và ông bảo: nói cho các nhà báo trẻ biết, tôi sống bằng nghề làm tượng, mỗi tháng bán vài pho là sống, con cái đã trưởng thành, hai vợ chồng già của tôi ăn được mấy. Bây giờ sống êm đềm, thỉnh thoảng bạn bè đến vác cờ ra chơi với nhau cho sướng. Tự nhiên một đống tiền rơi vào nhà – đại họa đấy các bạn trẻ ạ! Nói có vẻ vô lý nhưng thật đấy, không tưởng tượng được đâu!

Bây giờ ông lại nhổm hẳn lên ghế, mặt đỏ lự, cái kính lão lệch hẳn một bên. Ông nhoài người sang phía chúng tôi nói: “Một triệu đô là à, mười mấy tỉ tiền ta à, to lắm! Nghe to lắm đấy, nhưng nếu bây giờ tôi phổ biến được nó rộng rãi ra toàn quốc, rồi thì toàn thế giới. Khi chúng nó say cờ này rồi thì… nói cho các ông biết, tôi chỉ việc mua một chút máy móc, sản xuất bàn cờ và bán… quanh năm bán thì thử hỏi thu bao nhiêu tiền? Ấy là nói đến kinh doanh, nhưng không phải thế, cái quan trọng không phải thế, tôi nghĩ ra bàn cờ này đâu phải vì mục đích tiền…”.

Nói đến đây đột ngột ông Bảy quay sang bảo vợ: “Bà nấu cơm nhé, bọn tôi nhậu đấy…”. Rồi ông quay sang chúng tôi cười rất tươi: “Nhậu với tao nhé, trưa rồi còn gì.”

“Triệu phú cờ toán” vẫn sống tằn tiện bằng nghề nặn tượng.

Trong bữa cơm, ông Bảy vẫn nói rất nhiều, ông uống rất khá, mỗi lần nâng chén lên đều bảo cạn nhé. Ông ta có dáng người to lớn, khuôn mặt thuộc kiểu “ngũ trường tướng”, cái gì cũng dài: măt, mũi, tai, miệng… Và ông chỉ vào góc nhà – nơi đang bày những bức tượng dang dở, nói: “Ngày nào, tôi cũng làm tượng, đêm đến muỗi đốt nhiều mệt lắm… cứ nghĩ đến tiền lại muốn bỏ, nhưng lại sợ và tiếc cái môn cờ này.”. Bọn trẻ hàng xóm, từ ngày chúng nó biết chơi thích lắm, mà chúng nó chơi siêu các ông ạ. Tôi đây lắm lúc thua chỏng vó…”. Rồi ông lại giục chúng tôi uống, thỉnh thoảng lại sai khiến bà vợ, giọng rất gia trưởng.

Nhưng tôi hỏi đến điều mong muốn nhất của ông về môn cờ toán này, khuôn mặt đỏ lự của ông trùng xuống, rồi trầm tư: nói thực với các nhà báo trẻ, tôi chỉ mơ cái môn này được phổ biến rộng rãi. Chẳng hạn như hội khỏe phù đổng của tỉnh Bắc Ninh này chẳng hạn, rồi thì trong các nhà trường. Tôi tin với môn cờ toán, bọn trẻ sẽ học được cách từ duy toán học. Mà đã có tư duy của toán học thì sức tưởng tượng nâng cao, nói cách khác tâm hồn chúng sẽ trong sáng, biết làm người… Ai chẳng muốn mình được nổi tiếng, có nhiều tiền, nhưng cái đó với tôi không còn quan trọng nữa, tôi đã hơn bảy mươi rồi: danh vọng, tiền bạc chẳng nghĩa lý gì. Chỉ mong cái môn cờ này được phổ biến rộng rãi và bọn trẻ say nó là được.

Rồi đột nhiên ông Bẩy lại nhổm dậy như cái lò xo, mắt sáng rực à lên: “Tôi có thằng cháu đang làm phần mềm máy tính về môn cờ này đấy. Nó đang rủ tôi đem đi thi trí tuệ Việt Nam , nó bảo ăn giải là cái chắc… Nhưng tôi bảo nó, thi thố quan trọng gì, cứ đưa lên mạng cho chúng nó chơi là tao sướng rồi.”. Ông lại giục chúng tôi uống, mỗi ngụm rượu ông khà lên một tiếng rất khoan khoái, rồi lại trầm ngâm nghĩ về những đứa trẻ miền núi. Tội lắm các nhà báo trẻ ạ! Cả ngày chúng nó chỉ biết cõng nhau ngẩn ngơ nhìn núi đồi, không biết thế nào là chơi…

Câu nói vô tình của ông Bảy làm tôi – kẻ chép lại những dòng này cũng buồn lây. Quả đúng như vậy, ngày bé tôi và đám bạn ở bản làng chẳng biết chơi gì ngoài núi đồi, sông suối. Tôi nhớ rất rõ những buổi chiều chợ phiên. Tôi đã ngồi mãi ở mỏm đá đầu bản, ngẩn ngơ chờ mé đi chợ về. Hồi ấy, trong cái đầu ngờ nghệch của tôi vẫn nghĩ rằng, từ chợ về mé sẽ mua cho tôi một cái gì đó không phải cái bánh, viên kẹo… mà phải là cái gì vui hơn thế. Có thể hồi ấy tôi mong có một món đồ chơi – tôi nghĩ thế.

Và bây giờ, sự nghi hoặc về lời đồn một triệu đô bản quyền cờ toán của ông Bảy, không còn là mục đích tìm hiểu của chúng tôi nữa. Chẳng quan trọng gì, có trả đến trăm triệu đô la cũng thế. Sự thật giả của một triệu đô có lẽ cuốn hút rất nhiều người hiếu kỳ, nhưng có một sự thật – sự thật là bàn cờ toán đã có mặt trên đời, với tổng số nước đi là lũy thừa của 87, ai có thể đi hết ngần ấy nước cờ? Nhưng cũng chẳng cần đi ngần ấy nước, chỉ cần ngồi xuống và say sưa với nó đã thú vị rồi, đấy là một sự thật!

Ông Vũ Bảy – người đang ngồi trước mặt chúng tôi mới quan trọng – sự quan trọng thể hiện ở chỗ ông ta đã nghĩ ra một trò chơi – một niềm vui cho mọi người và do người Việt chính hiệu nghĩ ra. Cái đó quan trọng hơn tất cả. Còn câu chuyện về số tiền một triệu đô có lẽ nên quên đi được rồi.


Ván cờ và triết lý xã hội

“Người Việt từ xưa đến nay vẫn chơi cờ tướng. Nhưng cờ tướng là của người Trung Quốc. Rồi người ta chơi cờ vua. Cờ vua cũng là môn cờ du nhập. Chẳng lẽ chúng ta không có một loại cờ của riêng ta? Lúc đó tôi nghĩ có thể dùng các con số để tính toán cho một ván cờ được không? Thế là tôi bắt đầu bỏ thời gian để nghiên cứu về một thứ cờ gọi là cờ toán, để làm sao khi chơi cờ, người chơi phải vận dụng các kiến thức về toán học, đồng thời nó còn giúp khả năng toán học của người chơi được tốt lên” – ông Bẩy tâm sự.

Nung nấu từ những năm 1970, đến tận những năm 1980 ông mới hoàn thành được luật chơi cờ toán. Từ vị trí xếp quân cho tới giá trị mỗi quân hay cách bắt quân… ông đều phải sửa đi sửa lại hàng chục lần.

Theo ông, để đi một nước cờ toán thì phải vận dụng một trong bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia. Do phải sử dụng cách chơi phối hợp cả bốn phép tính, nên tổng số nước đi của một ván cờ toán là lũy thừa của 87 (8787). Trong khi đó, tổng số nước đi của cờ tướng chỉ là lũy thừa của 32, còn cờ vua là lũy thừa của 16). Lũy thừa của 87 là một con số mà “không biết bao nhiêu đời người mới có thể đi hết từng ấy nước đi” – ông khẳng định. Cờ toán vừa dân dã, vừa bác học là vì thế.

Ông Bẩy còn gửi vào cờ toán một triết lý nhân sinh: “Khi chơi cờ toán, nó không chỉ giúp người ta tính toán mà còn dạy cho người ta phải biết lẽ sống. Tính cách từng người sẽ được thể hiện qua ván cờ toán. Người tham lam thì chỉ thích cộng, thích nhân. Nhưng cứ nhân, cứ cộng mãi cũng thất bại (thua). Cái đó cũng giống như ở đời: lá lành phải biết đùm lá rách, phải biết chia sẻ cho người khác”.

Đặc biệt, theo ông, cái này mới là độc đáo: quân số 0 (đứng yên một chỗ, không được di chuyển). Tất cả các quân còn lại 1-9 đều có nhiệm vụ công thủ ngang nhau và có một trách nhiệm chung là bảo vệ quân số 0. Trong cờ vua và cờ tướng, khi mất vua hoặc tướng là bị thua. Tuy nhiên, cờ toán lại khác cờ tướng, cờ vua ở chỗ: quân số 0 là dân chứ không phải tướng hay vua, và khi để dân bị đối phương bắt, người chơi sẽ bị thua tuyệt đối.


Luật cờ toán Việt Nam

A Mô tả hình thức bàn cờ và Quân Cờ

Bàn cờ

· Hình chữ nhật, kích thước: 475mm x 365mm.

· Ở hai đầu bàn cờ trong khung hình chữ nhật nằm ngang 315mm x 45mm, mỗi góc bên trái có một lôgô hình tròn, đường kính 35mm. Trong vòng tròn vẽ đồ họa hình khối óc (màu xám trắng), trái tim (màu đỏ tươi), bàn tay (màu vàng). Phần còn lại một đầu có chữ “ CỜ TOÁN VIỆT NAM ” dòng dưới chữ nhỏ hơn: “Tác giả: Vũ Văn Bảy – Thành phố Bắc Ninh”. Đầu đối diện có 6 chữ “ THÂN THIỆN – TRÍ TUỆ – SÁNG TẠO”.

· Phần còn lại của bàn cờ là 385mm x 315mm được chia đểu thành 99 ô vuông (ngang 9 ô, dọc 11 ô) mỗi cạnh 35mm. Ô thứ 5 từ cạnh vào ở hàng ngang thứ 2 từ dưới lên của mỗi bên có dấu chéo (X) giữa ô vuông. (H1)

HÌNH 1 – BÀN CỜ TOÁN VIỆT NAM

Quân cờ

· Hình trụ tròn, đường kính 25mm, cao 10mm. Mỗi bên có 10 quân. Mầu sắc 2 bên khác nhau. Quân số O hình tròn đồng tâm với bề mặt quân cờ, đường kính 20mm.

· Những quân còn lại dùng dấu chấm tròn làm biểu trưng cho dãy số nguyên đơn từ số 1 đến số 9. Quân số 1=1 chấm, quân số 2=2 chấm…quân số 9 = 9 chấm.

· Tên của mỗi quân cờ gọi theo trị số riêng của từng con số (quân một, quân hai… quân chín)(H2)

H2 – QUÂN CỜ TOÁN VIỆT NAM

B Luật chơi

Xếp quân

· Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngan dưới cùng, thứ tự từ 1 đến 9. Từ trái sang phải, quân số 0 xếp vào ô thứ 5 ở hàng ngang thứ 2 (có dấu chéo) phía trên ô số 5.

· Hai bên tự thỏa thuận (hoặc bốc thăm) để phân định vị trí ngồi chơi và người đi quân trước một nước, rồi lần lượt cho đến khi kết thúc cuộc chơi…(H3)

HÌNH 3 – CÁCH XẾP QUÂN

Cách đi quân

Quân số 0 không được di chuyển. Những quân còn lại đều được đi thẳng theo 4 hướng tiến, lùi, phải, trái và 4 phương chéo Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi ô trống trên bàn cờ là một nước đi. Số bước đi được thực hiện theo trị số riêng của từng quân cờ. Những quân có trị số nhiều có thể thực hiện những bước đi ít hơn ( Ví dụ: Quân số 2 có thể đi từ 1 đến 2 ô.. quân số 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô). Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi, không được vượt qua bất kỳ quân cờ nào cản đường…(H4)

H4 – HƯỚNG ĐI CỦA MỌI QUÂN CỜ

Cách bắt quân

- Muốn bắt quân đối phương phải có 2 quân bên mình đứng trong 2 ô liền kề nhau để lấy giá trị số của 2 quân cờ ấy tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia (+, _, x, ÷) với nhau. Đáp số của mỗi phép tính ấy là điểm được bắt quân đối phương.

* Chỉ đánh số nguyên đơn từ 1 đến 9 (quá 10, 20, 30…thì trừ đi 10, 20, 30…)

* Tính chia được đánh cả số dư.

* Hai số bất kỳ liền kề nhau sẽ có nhiều đáp số khi tính cộng, trừ, nhân, chia (+, _, x, ÷) với nhau nhưng khi bắt quân đối phương thì tự chọn lấy một đáp số:

- Thí dụ: 5 + 3 = 8

5 – 3 = 2

5 x 3 = 15(- 10) = 5

5 ÷ 3 = 1 dư 2

- Như vậy các đáp số 8, 2,5,1,2 là ô cờ có quân đối phương bị bắt. Hướng bắt quân đối phương cũng thực hiện như hướng đi quân ( 4 hướng tiến, lùi, phải, trái và 4 phương chéo Đông, Bắc, Tây, Nam).

- Khi bắt quân thì lấy quân đứng sau đặt vào vị trí quân đối phương bị bắt.(H5)

H5 – CÁCH BẮT QUÂN CỜ

* Bắt quân về hướng tay trái: * Bắt quân về hướng tay phải:

2 – 1 =1 1 x 2 = 2

2 x 1 = 2 1 + 2 = 3

2 + 1 = 3

D Kết thúc 1 ván cờ

Thắng tuyệt đối:

Bên nào bắt được quân cờ số O trước là thắng tuyệt đối.

Thắng điểm:

Mỗi dấu chấm tròn trên mặt quân cờ tương ứng với 1 điểm ( quân 1 chấm = 1 điểm, quân 2 = 2 điểm…)

- Hai bên tự thỏa thuân thang điểm cho mỗi ván đấu là 10, 15, 20 điểm. Bên nào đát số điểm đã thỏa thuận trước là thắng điểm.

- Trong trường hợp thi đấu để tranh giải thì phải tuân thủ moi qui định của Ban tổ chức giải.

sưu tầm tại nguồn

3 comments:

  1. tôi chẳng thấy cái cờ này hay ho gì cả, phải tính toán quá nhiều, dễ gây nhầm lẫn, thua xa cờ vua và cờ tướng.

    ReplyDelete
  2. Theo tôi bạn đánh giá như vậy chưa hản đã đúng. Tất cả các loại cờ đều phải tính (tư duy - suy nghĩ - sáng tạo). Đây là cờ toán tất nhiên nó cần đến toán học để tính toán nước đi. Tôi không thích chơi cờ lắm. Nhưng tôi nghĩ cờ toán cũng rất thu vị, hơn nữa nó lại là do người Việt mình tạo ra cũng đáng để cổ vũ.

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn Ông Vũ Văn Bảy đã nghĩ ra môn cờ riêng mang đậm chất Việt.
    Môn cờ này thực sự rất hay và có sự biến hoá khôn lường.
    Tôi đã chơi qua môn cờ này và cảm thấy nó thực sự là 1 môn chơi "trí tuệ - sáng tạo".
    Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Ồng.

    ReplyDelete

 
Bạn có thể dùng bài viết của tôi tùy ý bạn nhưng vui lòng ghi lại rõ nguồn cung cấp
The world in a click_
Copyright © 2008 linhdkl